Tết của người Nhật Bản có gì?

Nhật bản là một đất nước phát triển mạnh mẽ về mọi mặt, đặc biệt là văn hóa – một giá trị truyền thống đặc sắc có sức ảnh hưởng không chỉ trong nước mà cả ngoài cộng đồng quốc tế. 

Thế nhưng, chắc hẳn ba mẹ sẽ thắc mắc không biết người Nhật Bản đón Tết âm hay Tết dương lịch và đón Tết như thế nào. Hãy cùng Combi tìm hiểu về Tết của người Nhật Bản nhé!

Lịch sử ngày Tết ở Nhật Bản 

Ngày nay trong quá trình hội nhập, văn hóa phương Tây tràn ngập mang lại sức ảnh hưởng không hề nhỏ đến văn hóa Nhật Bản khiến Xứ sở Hoa Anh Đào từ lâu đã không còn đón tết âm lịch như các nước Châu Á khác. 

Tết cổ truyền bắt nguồn từ phong tục chào đón vị thần năm mới Toshigami Sama, đây là vị thần tượng trưng cho sức khỏe, may mắn và tài lộc. Giống với Việt Nam chúng ta, Nhật Bản đã từng có tết cổ truyền theo âm lịch. 

Hình 1. Tết tại Nhật Bản 

Tuy nhiên, để ưu tiên cho việc phát triển kinh tế, Nhật Bản chính thức bỏ tết âm và chuyển qua tết dương. Nhờ việc thay đổi này mà chính phủ Nhật Bản đã tiết kiệm được rất nhiều chi phí cho việc trả lương tháng 13 cho công chức đồng thời giảm bớt số ngày nghỉ góp phần tăng sản lượng quốc gia.

Người Nhật Bản tuy ăn Tết theo lịch dương nhưng Tết đối với người Nhật vẫn luôn là một kì nghỉ được mong đợi. Đây là quãng thời gian sum họp gia đình có thể nói là vui nhất trong năm.

Phong tục Tết của người Nhật Bản 

Cho tới nay, dù người Nhật Bản ăn Tết âm hay dương thì những phong tục đón năm mới của người Nhật vẫn được giữ nguyên nét truyền thống Á Đông.

Ngày dọn dẹp nhà cửa Osouji

Giống như ở Việt Nam, vào những ngày giáp tết người Nhật Bản thường dọn dẹp sạch sẽ nhà cửa. Bởi theo quan niệm của họ vị thần Toshigami – sama linh thiêng nhất trong Thần đạo Shinto sẽ đến thăm nhà vào ngày đầu tiên của năm mới. Vì vậy, nhà cửa cần phải sạch sẽ để chào đón Thần. 

Trang hoàng nhà cửa

Ngày 28 hoặc 30 hằng năm, người Nhật Bản sẽ trang hoàng lại nhà cửa và trang trí cây tùng trước cửa nhà. Vì theo quan niệm của người Nhật, vị thần Toshigami – sama sẽ hạ giới và trú ẩn trong cây tùng. 

Hình 2. Người Nhật Bản trang hoàng nhà cửa đón Tết 

Trên khung cửa của các gia đình còn trang trí các đồ vật như quả quýt tượng trưng cho sự thịnh vượng, dây thừng bện bằng cỏ để cầu tài lộc, dải giấy trắng xua đuổi tà ma…

Joya no Kane – Lễ rung chuông

Lễ rung chuông là một truyền thống lâu đời được tổ chức ở Nhật vào đêm giao thừa. Hồi chuông dài được gióng lên 108 lần đánh dấu năm cũ qua đi năm mới lại đến. Và Joya no kane có ý nghĩa thanh lọc tâm trí và linh hồn của mọi người vào năm mới.

Viếng đền thờ hoặc chùa – Hatsumoude

Một trong những hoạt động truyền thống đầu năm tại Nhật Bản chính là thăm viếng đền thờ hoặc chùa. Các đền thờ lớn như Meiji Jingu sẽ mở cửa 24h bắt đều từ đêm giao thừa để người dân có thể đến cầu nguyện. 

Hình 3. Người Nhật Bản thăm viếng chùa để cầu nguyện vào dịp Tết

Vào dịp đặc biệt này, người Nhật còn rút các quẻ xem Omikuji để dự đoán những sự kiện đặc biệt xuất hiện trong năm. Mỗi quẻ sẽ có giá 500 – 1000 yên.

Thiệp chúc Tết Nengajo

Gửi tặng thiệp chúc mừng năm mới Nengajo là một nét văn hóa đẹp trong phong tục đón năm mới của người Nhật. Thông thường vào tháng 12, mọi người bắt đầu chuẩn bị kỹ lưỡng những chiếc thiệp để dành tặng người thân, bạn bè và đồng nghiệp. ‘

Hình 4. Thiệp chúc Tết của người Nhật Bản 

Những món ăn ngày Tết của người Nhật Bản 

Người Nhật có truyền thống rất thú vị vào dịp đầu năm mới là ăn các món ăn truyền thống phong phú ngày tết để tỏ lòng biết ơn và cầu chúc cho một năm mới an khang và thịnh vượng.

Món ăn truyền thống – Osechi Ryori

Ở Việt Nam có “Bánh Chưng – Bánh dày” thì ở Nhật Osechi Ryori - món ăn truyền thống không thể thiếu vào ngày Tết. Osechi Ryori bao gồm rất nhiều món ăn đầy màu sắc, mỗi món ăn đều có ý nghĩa tượng trưng riêng và được đựng trong những chiếc hộp đặc biệt.  

Hình 5. Osechi Ryori - món ăn truyền thống ngày Tết của người Nhật Bản 

Do người Nhật quan niệm ngày đầu năm mới là dịp nghỉ ngơi nên họ không nấu nướng vào ngày này, các món ăn osechi ryori được chuẩn bị xong xuôi trước đêm giao thừa. Các món ăn được chiên lên hoặc bao gồm rất nhiều đường hay giấm nhằm bảo quản không bị hỏng và chế biến vừa đủ trong một vài ngày.

Mì trường thọ Toshikoshi Soba

Hình 6. Toshikoshi Soba - món ăn truyền thống vào ngày 31/12 của người Nhật Bản

Trong phong tục người Nhật, vào ngày cuối cùng của năm cũ mọi người sẽ cùng nhau thưởng thức bát mì Soba. Mì Soba có đặc điểm dài, dai nhưng dễ cắn đứt thể hiện cho việc những xui xẻo của năm cũ được chấm hết và chào đón năm mới nhiều may mắn. 
Vì vậy, ngày 31/12 hằng năm các quán mì Soba ở Nhật lại tấp nập khách khứa. 

Bánh Mochi

Mochi là món bánh không còn xa lạ gì với người Nhật Bản cũng như du khách đến Nhật Bản. Mochi giống như một món bánh tròn vẹn dâng lên các Thần linh. 

Hình 7. Bánh Mochi được dâng lên các Thần Linh ngày Tết Nhật Bản 

Đây là một loại bánh dày phổ biến được người Nhật Bản dùng trong dịp Tết. bánh này có nhiều cách thưởng thức như: nướng chấm với Shoyu rồi cuộn với rong biển, chấm đường hoặc được nhào với bột đậu nành, đậu đỏ….
 

TAGS :

món ăn ngày Tết món ăn tết phong tục ngày Tết tết Nhật Bản
Viết bình luận