Việc cho bé ăn thường mang lại cho mẹ cảm giác khó chịu khi mọi việc không diễn ra đúng như kế hoạch. Mẹ có thể vô tình mắc phải những sai lầm dưới đây và khiến việc ăn của trẻ không đạt hiệu quả như mong muốn.
Quy củ
Mẹ bỉm sữa luôn muốn trẻ ăn uống đúng quy củ, gọn gàng và sạch sẽ
Hầu như mẹ bỉm sữa nào cũng muốn con trẻ ăn hết tất cả mọi món ăn đã được chuẩn bị mà vẫn giữ được sự sạch sẽ và gọn gàng. Mẹ có thể thường xuyên lau miệng bé bằng khăn, thìa cho bé ăn hoặc sắp xếp lại thức ăn trên đĩa của trẻ dù trẻ vẫn đang ăn...
Nhưng tất cả những hành động này sẽ lấy đi của bé những kinh nghiệm học tập quan trọng. Các chuyên gia khuyên cha mẹ nên cho phép trẻ được tự ăn bằng thìa, thoải mái chọn món ăn trẻ yêu thích để thưởng thức và dù đĩa ăn của trẻ có bừa bộn như nào, việc dọn dẹp và vệ sinh chỉ nên thực hiện khi kết thúc bữa ăn.
Cho ăn thìa quá lâu
Điều này có liên quan đến sai lầm phía trên. Giải pháp được chuyên gia khuyên cha mẹ áp dụng để thay thế thói quen này bao gồm cho trẻ thưởng thức các món ăn với thành phần được cắt nhỏ khi 8 – 9 tháng tuổi. Đến 12 tháng tuổi, bé đã có thể ăn các món ăn ở thể rắn, có kích thước vừa tầm tay và được bày trên bàn. Trẻ có thể tự dùng tay để cầm nắm thức ăn và làm quen với việc sử dụng cốc uống nước (có hoặc không có nắp) riêng.
Hạn chế trẻ tự ăn theo cách trẻ muốn là một trong những sai lầm mẹ hay mắc
Đừng lo lắng về việc trẻ dùng tay để cầm thức ăn và cho lên miệng. Đây là cách ăn giúp trẻ vừa phát triển các kỹ năng vừa khám phá thực đơn dễ dàng hơn. Để phòng ngừa nguy cơ nhiễm khuẩn, cha mẹ cần đảm bảo tay của trẻ được rửa sạch với xà phòng tiệt trùng trước khi ăn và dụng cụ ăn uống (bao gồm đĩa ăn, bàn ăn, ghế ăn...) được làm sạch hoàn toàn.
Cho trẻ ăn nhiều một nhóm thực phẩm
Trẻ sơ sinh và trẻ mới biết đi nên nhận được các thực phẩm có nguồn gốc và hương vị tự nhiên, không pha trộn hương vị nhân tạo. Cha mẹ cần chú trọng vào việc giới thiệu đa dạng thực phẩm trong bữa ăn của trẻ trong đó nhấn mạnh tầm quan trọng của trái cây, rau và ngũ cốc.
Những thực phẩm này giàu chất dinh dưỡng nhưng lại có xu hướng ít chất béo – một thành phần quan trọng trong việc tăng trưởng ở trẻ nhỏ. Do đó, chuyên gia khuyến khích mẹ bổ sung chất béo lành mạnh trong thực đơn mỗi ngày cho trẻ. Điều này cũng giúp món ăn ngon hơn và trẻ ăn tốt hơn.
Mẹ nên cho bé ăn đa dạng các nhóm thực phẩm khác nhau trong chế độ ăn uống
Cho trẻ ăn thức ăn chứa nhiều đường và chất kích thích
Có một sự thật rằng trẻ càng lớn lên thì càng thích ăn ngọt. Trẻ có thể ăn bánh quy, ăn kẹo, uống nước ngọt... bất cứ lúc nào nếu cha mẹ không chú ý. Đường là nguyên nhân số 1 khiến trẻ mắc bệnh sâu răng và các vấn đề răng miệng khác.
Đồ uống có gas, nước ngọt, nước hoa quả đóng chai... không chỉ chứa đường mà còn có chất kích thích như cafein... Để phòng ngừa các nguy cơ về sức khỏe xảy đến với trẻ khi sử dụng quá nhiều các loại thực phẩm này, cha mẹ nên hạn chế tối đa cho trẻ ăn và uống đồ ngọt trước năm 2 tuổi.
Thay vào đó, hãy cho trẻ ăn các món ăn vặt dinh dưỡng bao gồm chế phẩm từ sữa, bánh dinh dưỡng, ngũ cốc, salad, hoa quả và các loại hạt. Đối với nước trái cây, mẹ nên cho trẻ uống nước trái cây tươi, nguyên chất, không thêm đường và pha loãng với nước theo tỷ lệ 1:10 để phù hợp với sự phát triển của trẻ.